Phục hồi chức năng cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Trẻ khỏe mạnh bình thường sẽ phát triển ngôn ngữ rất nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế có những trẻ không phát triển ngôn ngữ bình thường theo độ tuổi. Những trẻ này bị rối loạn ngôn ngữ và cần điều trị phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ.

  1. Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì?

Thông thường, khi được 2 – 3 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu phát âm họng. Từ 7 – 9 tháng tuổi, trẻ sẽ bập bẹ tập nói. Từ 12 – 15 tháng tuổi, trẻ có thể nói được vài từ đơn giản. Tới khi được 2 – 3 tuổi, trẻ có thể nói từ câu ngắn tới câu dài.

Có 2 dạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ (chậm hiểu lời nói của người khác) và rối loạn phát âm (trẻ khó nói những từ, câu thông thường). Rối loạn phát âm gồm chậm nói, nói lắp, nói ngọng, nói sai ngữ pháp hoặc cách nói bất thường. Nếu trẻ bị các vấn đề trên mà cha mẹ không khuyến khích trẻ giao tiếp thì bé dễ trở nên thiếu tự tin, kém hòa nhập.

Các rối loạn ngôn ngữ khác như: Trẻ thường tự nói một mình, nói nhại lời, phát âm vô nghĩa, nói lộn xộn,… chủ yếu là do khuyết tật về phát triển hoặc rối loạn tâm lý. Tình trạng này cần phát hiện sớm, cho trẻ đi khám bệnh kịp thời.

2. Biểu hiện của trẻ bị rối loạn ngôn ngữ:

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường không có biểu hiện đặc trưng. Chỉ có một số dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị rối loạn ngôn ngữ như:

  • Trẻ tỏ ra không lắng nghe khi có người nói chuyện cùng;
  • Trẻ không quan tâm khi có người đọc sách cho nghe;
  • Trẻ không hiểu được những câu nói dài và phức tạp;
  • Trẻ không làm theo được như lời dạy bảo của cha mẹ.
  • 3. Nguyên tắc

    Trẻ em có thể gặp những khó khăn trong giao tiếp như: Chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói; nói kém hoặc câm do giảm thính lực; nói ngọng và nói lắp; nói khó và nói chậm ở trẻ bại não. Nguyên tắc phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ như sau:

    Y học – phục hồi chức năng

    • Phát huy mọi khả năng giao tiếp, kể cả bằng lời nói, chữ viết hoặc hành động, ngôn ngữ cơ thể;
    • Nên ngồi xuống thấp để mặt người lớn ngang với mặt trẻ để trẻ dễ quan sát cử động của miệng khi phát âm;
    • Chơi với trẻ để kéo dài việc dạy trẻ phát âm;
    • Nói chậm và rõ để trẻ bắt chước được cử động miệng của người lớn. Nên nhắc đi nhắc lại những từ mà trẻ đang học và có tiến bộ để tạo thói quen, cơ hội tập âm đó nhiều hơn;
    • Dùng các hình thức giao tiếp không lời khác để hỗ trợ giao tiếp bằng lời nói: Nét mặt, cử động thân thể, hình vẽ, chữ viết,…;
    • Khi giao tiếp với trẻ khuyết tật về nói, cần phát huy trí tưởng tượng, chơi các trò chơi hấp dẫn, chuyển chủ đề giao tiếp;
    • Tăng dần vốn từ của trẻ: Bắt đầu bằng việc dạy trẻ phát ra âm thanh, sau đó là các từ đơn, ghép từ đơn thành câu ngắn rồi đến câu dài.

    Giáo dục

    • Giáo dục hòa nhập: Hầu hết trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể theo được giáo dục hòa nhập với các trẻ khỏe mạnh bình thường khác. Tuy nhiên, giáo viên cần có kỹ năng dạy và giao tiếp với trẻ;
    • Giáo dục đặc biệt: Để trẻ gặp khó khăn về nghe và nói có thể tiếp cận giáo dục hòa nhập thì cần hỗ trợ trẻ một số kỹ năng như: Giao tiếp tổng hợp (dấu và chữ cái ngón tay), luyện nghe – nói và độc môi.

    Xã hội

    • Vui chơi: Những trẻ gặp khó khăn về nghe, nói sẽ có nhiều cơ hội giao tiếp thông qua hoạt động vui chơi với những trẻ khác;
    • Câu lạc bộ người cùng cảnh ngộ: Trẻ có khả năng trao đổi thông tin, giao tiếp bằng ngôn ngữ tổng hợp hoặc làm dấu.

    Hướng nghiệp

    • Dạy nghề: Chọn nghề tùy theo khả năng. Nếu nghe, nói khó khăn thì chọn công việc liên quan tới kỹ năng chân tay như múa, đan lát, thêu, may mặc,…;
    • Tìm việc làm: Cần phù hợp với khả năng và nguyện vọng. Ngoài ra, cần cân nhắc tới các yếu tố như vốn, địa điểm, đầu ra sản phẩm,…

    4. Phục hồi chức năng

    Có nhiều dạng rối loạn ngôn ngữ khác nhau và mỗi loại sẽ có phương pháp phục hồi chức năng riêng. Cụ thể:

    Với trẻ bị nói ngọng

    Nói ngọng là tình trạng trẻ tạo ra các âm thanh lời nói không rõ ràng, khiến người xung quanh khó hiểu. Trẻ nói ngọng thường có biểu hiện: Cử động môi, miệng, lưỡi, hàm dưới khó khăn; mắc các lỗi phát âm; nói chậm, nói khó, không rõ ràng; hơi thở ngắn hoặc không đều. Nói ngọng thường gặp ở trẻ trước khi đi học hoặc ở bậc tiểu học. Tới khi trẻ được khoảng 6 tuổi thì những lỗi phát âm này sẽ được chỉnh như bình thường.

    Phục hồi chức năng cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ
    Phục hồi chức năng cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

    Phục hồi chức năng cho trẻ nói ngọng như sau:

    • Dạy trẻ cử động miệng – lưỡi và các cơ quan phát âm, gồm:
      • Cử động há miệng to rồi ngậm lại; thè lưỡi dài ra phía trước, lên trên rồi sang trái và sang phải;
      • Tập “xì”: Nói âm “x” trong từ “xa”, kéo dài âm “x” càng dài càng tốt;
      • Tập thở ra: Kéo dài hơi thổi ra bằng cách cho trẻ thổi bóng, thổi kèn;
    • Dạy trẻ tạo âm: Xem trẻ nói âm nào không rõ thì sửa lại các âm bị sai:
      • Nếu trẻ bị ngọng cả nguyên âm và phụ âm thì nên bắt đầu dạy trẻ tạo các nguyên âm như a, u, o, i, e, ê, ô, ơ, ư. Khi trẻ nói rõ nguyên âm thì chuyển sang phụ âm;
      • Dạy trẻ tạo các phụ âm môi như m, b. Khi trẻ đã nói âm đó rõ thì hãy ghép âm đó với nguyên âm như ma ma, ba ba, mi mi, be be,…;
      • Dạy trẻ nói các từ đơn giản như: Bà, bố, bé, mẹ,… Nên dùng tranh để dạy cho trẻ nói các từ đơn để trẻ hứng thú hơn;
      • Tiếp tục dạy trẻ tạo các phụ âm khó hơn như đ, x, t, d, ch, c, g, kh,… Sau đó, tiếp tục ghép các phụ âm này với các nguyên âm khác như xa, ta, đa,… Khi trẻ tạo các âm này đã rõ thì phụ huynh hướng dẫn trẻ nói các từ đơn chứa các âm này như tai, táo, túi,… Khi trẻ nói được nhiều từ đơn thì hãy hướng dẫn trẻ ghép từ thành các câu ngắn có ý nghĩa. Trong quá trình học tập, phụ huynh cần chú ý sửa âm cho trẻ;
    • Giáo dục: Trẻ cần được hỗ trợ tại lớp học và gia đình, cần phối hợp giữa người thân, giáo viên với bạn học để trẻ học nói tốt hơn;
    • Xã hội: Cần chú ý khi hướng nghiệp cho trẻ vì một số nghề có thể gây khó khăn cho trẻ như giáo viên, hướng dẫn viên,… Bên cạnh đó, trẻ nói ngọng nhiều thường tự ti, mặc cảm nên cần chú ý trị liệu tâm lý cho trẻ.

    Với trẻ bị nói lắp

    Nói lắp là tình trạng rối loạn nhịp điệu nói. Thông thường, khi nói thì giữa các câu sẽ có một chỗ nghỉ dài hơn, giữa các từ có một thoáng nghỉ ngắn hơn. Nếu khi nói có một chỗ nghỉ dài bất thường giữa 1 từ, giữa các từ hoặc giữa các câu thì đó là tình trạng nói lắp. Trẻ nói lắp thường có hơi thở ngắt quãng, khi nói trẻ thường lên gân, co cứng cơ mặt, cổ và người. Có các kiểu nói lắp như: Lắp 1 âm của âm tiết; lắp 1 âm tiết; lắp 1 đoạn của phát ngôn; thêm 1 âm tiết, 1 phát ngôn bất thường hoặc dừng bất thường khi nói.

    Phục hồi chức năng cho trẻ bị nói lắp như sau:

    • Sửa tật nói lắp:
      • Tập thư giãn: Trước khi nói để trẻ hít sâu, thở ra nhẹ nhàng 3 – 5 nhịp. Mỗi ngày nên để cho trẻ khoảng 1 – 2 lần, mỗi lần 10 – 15 phút tập ngồi nhắm mắt, hít sâu – thở ra chậm, tập thổi ra nhẹ và kéo dài. Nên động viên trẻ nói chậm và người xung quanh phải nói chậm khi giao tiếp với trẻ, đợi trẻ chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện;
      • Sửa nhịp điệu nói: Hướng dẫn trẻ nói câu ngắn 2 – 3 từ, nói chậm và khi nói xong nên nghỉ để chuẩn bị câu tiếp theo. Một thời gian sau, sau khi đỡ lắp thì mới hướng trẻ nói câu dài hơn khoảng 4 – 5 từ, vẫn nên nói chậm. Và nếu trẻ bị nói lắp trong một số tình huống nhất định hoặc với một số người nhất định thì cần cho trẻ thư giãn trước khi giao tiếp với người đó. Có thể cho trẻ tập nói trong tình huống đó, nhìn ảnh người đó để nói chuyện, nói từ chậm tới nhanh, từ nhỏ đến to;
    • Tư vấn của chuyên gia tâm lý. Chuyên gia sẽ nói chuyện với trẻ để tìm hiểu nguyên nhân về tâm lý. Việc trao đổi giúp trẻ tự tin hơn, giảm căng thẳng khi giao tiếp;
    • Giáo dục: Giáo viên cần trao đổi, bàn bạc để giúp trẻ bớt căng thẳng khi giao tiếp, chờ đợi lâu hơn để trẻ nói chậm. Trong những môn đọc hoặc trả bài miệng, có thể chọn những vấn đề đơn giản, cho trẻ nói trước lớp. Đồng thời, động viên trẻ để trẻ tự tin hơn. Mặt khác, giáo viên cần hướng dẫn các trẻ khác trong lớp không trêu chọc trẻ bị nói lắp;
    • Xã hội: Khuyến khích trẻ nói lắp tham gia các hoạt động nhóm ở trường lớp hoặc cộng đồng để trẻ tự tin hơn, có nhiều cơ hội giao tiếp hơn.
    Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ
    Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em có thể điều trị tại nhà
    5. Phòng tránh rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

    Để phòng tránh hoặc hạn chế tối đa tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em, phụ huynh cần tránh, hạn chế cho trẻ từ 0 – 3 tuổi tiếp xúc với tivi, điện thoại, máy tính,… bởi đây là giai đoạn trẻ bắt đầu xây dựng cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình. Song song với đó, các thành viên trong gia đình nên tăng cường cho trẻ giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn trẻ làm quen với đồ vật, cử chỉ, hành động liên quan, biết cách biểu đạt nhu cầu, tình cảm của mình.

    Cha mẹ và người thân trong gia đình cũng nên khuyến khích khả năng nói, hát, tham gia các trò chơi, tăng cường vận động cho trẻ,… Khi dạy trẻ nghe và nói, phụ huynh không cần gò ép trẻ phải tiến bộ ngay mà cần hướng dẫn bé một cách kiên trì, bền bỉ.