PHỤC HỒI CHỨC NĂNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Đa số chúng ta ai cũng thầm mong có một ngày Y học phát triển sẽ tìm ra một loại thuốc trường sinh bất lão. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, ai rồi cũng sẽ trở nên già đi, các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đến một ngày nào đó rồi cũng bị lão hoá, không còn được như thời trẻ. Đó là quy luật tất yếu của tự nhiên.

Những vấn đề mà người cao tuổi thường phải đối mặt đó là: nguy cơ ngã; bệnh cơ xương khớp: thoái hóa khớp, loãng xương, thoát vị đĩa đệm; trầm cảm; sa sút trí tuệ; tai biến mạch máu não; rối loạn tiểu tiện; rối loạn dinh dưỡng; suy giảm thị lực và thính giác và rối loạn chức năng tình dục.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngã xảy ra trong hơn 30% người già trên 65 tuổi. Nguyên nhân thường do teo cơ và yếu cơ, đau xương khớp, mắt kém, liệt nửa người, lú lẫn, sa sút trí tuệ và các rối loạn nhận thức khác, đường đi lối lại trơn trượt không bằng phẳng…

Bệnh thoái hóa cơ xương khớp, loãng xương: Khi tuổi trên 40, hiện tượng thoái hoá khớp, gân, bao khớp, dây chằng càng dễ xảy ra, chỉ cần đi hơi nhanh, làm động tác sai tư thế (mặc dù vẫn như trước đây đã từng làm) là bệnh nhân có thể bị đau xương khớp, lệch vẹo người, đau tê chân tay, đi lại khó khăn.

Rối loạn tiểu tiện: Người già thường tiểu nhiều lần về đêm, tiểu gấp, vội tiểu… Đây là vấn đề ít bác sĩ quan tâm, người bệnh ngại thổ lộ vì cứ nghĩ mình già rồi nên bị vậy, tuy ưu phiền đấy nhưng không bao giờ chủ động đi khám bác sĩ trừ khi xuất hiện các biến chứng. Vấn đề rối loạn tiểu tiện chủ yếu gặp trên 20% nữ từ 40  80 tuổi, vì vậy người cao tuổi rất ngại đi xa, ngại giao tiếp, giảm chất lượng cuộc sống.

Rối loạn chức năng tình dục: nam giới thì giảm cương dương, còn nữ giới thường thấy khô âm đạo.

Ngoài ra, sa sút trí tuệ, trầm cảm, rối loạn dinh dưỡng do ăn uống kém khó nhai nuốt cũng là những tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi.

Người cao tuổi cần làm gì khi có dấu hiệu trên?

Để nâng cao tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm sử dụng các cơ sở bệnh viện, người cao tuổi nên đi khám ngay các chuyên khoa phục hồi chức năng, lão khoa để các bác sĩ xác định rõ bệnh và cho phác đồ điều trị, tập luyện, không hoặc ít cần sử dụng thuốc nhất để tránh bị bệnh nặng lên. Đồng thời hướng dẫn các bài tập luyện trí nhớ, luyện cơ sàn chậu để cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện, hoặc bơi lội, tập Yoga, đi bộ tối đa 150 phút/tuần và hoạt động thể lực ra mồ hồi 2 ngày/tuần nhằm tăng sức khỏe, ngừa bệnh, làm chậm quá trình suy giảm chức năng ở người già.

Về chế độ ăn uống, người cao tuổi nên ăn những thức ăn chứa nhiều Canxi, Omega 3 và Vitamin. Đồng thời hạn chế sử dụng các chất bột đường, các chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá…

Tóm lại: Tập thói quen vận động ngay cả khi chức năng vận động còn bình thường để làm chậm suy giảm chức năng sinh lý. Khi có suy giảm chức năng vận động cần tập vận động sẽ làm chậm quá trình suy giảm chức năng nặng hơn. Nên nhớ rằng: đừng đợi đến khi mất chức năng vận động mới tìm cách hồi phục. Ngoài ra cần phát hiện sớm tình trạng tiểu không tự chủ để điều trị và khuyến khích người cao tuổi mặc tã bỉm nếu gặp phải vấn đề này. Đồng thời cần chú ý phòng ngừa ngã, vì ngã ở người cao tuổi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong, tàn phế, trở thành là gánh nặng cho gia đình.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức