Laocaitv.vn – Tại khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai hiện có một lớp học đặc biệt. Gọi là lớp học đặc biệt vì các cô giáo đều mặc áo blouse trắng, còn học sinh là những bệnh nhi. Tất cả các em đều là những trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ hoặc rối loạn hành vi giao tiếp… Với những đóng góp lặng thầm, những “cô giáo mặc áo blouse trắng” ở lớp học đặc biệt đã và đang âm thầm thắp sáng niềm hi vọng cho nhiều gia đình có trẻ tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động…
Những giờ học phục hồi ngôn ngữ tại khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai thường rất khó khăn, bởi những lời hướng dẫn lặp đi, lặp lại của các bác sỹ kiêm cô giáo dường như không nhận được sự phản hồi mong muốn từ “học trò”. Trong mỗi giờ học các bác sỹ của khoa phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 chức năng: bác sỹ, cô giáo và người bạn của các em. Nghĩa là vừa phải nắm bắt, phân tích được các biểu hiện bệnh của trẻ là ngọng, chậm nói, không tập trung… để có phương pháp điều trị, hỗ trợ, rèn luyện cho trẻ một cách phù hợp nhất. Chị Nhạc Thị Bông, kỹ thuật viên trị liệu ngôn ngữ tại khoa chia sẻ: “Với những học sinh này điều quan trọng nhất là phải kiên trì, nhẫn nại, phải là bạn với các em và việc học phải thực hiện theo hình thức vừa học vừa chơi với những đồ dùng bắt mắt, sinh động”.
Bác sỹ Trịnh Thị Nga, Phó trưởng khoa Nội – Nhi cho biết, khoa hiện có 10 kỹ thuật viên ngôn ngữ, thực hiện hỗ trợ điều trị và dạy cho 75 trẻ. Các trẻ được học với hình thức 1 bác sỹ kiêm cô giáo và một bệnh nhân, thời gian một ca điều trị là 30 phút. Các kỹ thuật viên này ngoài bằng chuyên môn thuộc lĩnh vực y tế, đều có thêm các chứng chỉ, bằng cấp liên quan đến sư phạm. Để quá trình điều trị và hỗ trợ giáo dục trẻ hiệu quả nhất, khoa đã quan tâm thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá ban đầu về tình trạng của bệnh nhân. Khi đến khoa các em sẽ được test nhanh về các chỉ số như: IQ, khả năng nhận biết, ngôn ngữ, hoạt động… Sau đó được nhận vào điều trị, theo học và tiếp tục được các cô theo dõi hỗ trợ.
Các trẻ sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ bù lấp những thiếu hụt, khiếm khuyết theo chương trình giáo dục phù hợp với đặc điểm của bản thân bằng những hình thức, như: Vận động trị liệu Glacodoman, ngôn ngữ trị liệu theo phương pháp (APA, PESC); trị liệu nhóm và cá nhân…
Với kiến thức về y học cùng phương pháp sư phạm hợp lý của các “cô giáo mặc áo blouse trắng” đã giúp nhiều trẻ tự kỷ, tăng động, rối loạn hành vi giao tiếp sau khi đến với khoa một thời gian đã có sự tiến bộ rõ rệt. Bà Hoàng Thị Đang, ở thành phố Lào Cai, người đã có hơn 2 năm đồng hành cùng cháu chữa bệnh tự kỷ không giấu nổi niềm vui cho biết: “Các bác sỹ rất kiên trì, nhẫn nại và có phương pháp điều trị, dạy trẻ hợp lý nên khi mới vào cháu chưa biết nói nhưng đến nay đã nói được rất nhiều, biết chơi và thích chơi với bạn. Nếu tiếp tục tiến bộ hơn nữa thì cơ hội hòa nhập và phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa của cháu sẽ rất cao, gia đình cũng bớt áp lực hơn”.
Mặc dù không được vinh danh trong ngày 20/11, không được gọi là “nhà giáo” nhưng những “cô giáo mặc áo blouse trắng” ở khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai vẫn đang từng ngày, từng giờ nỗ lực giúp những trẻ em không may mắn có cơ hội phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác.
Mai Huệ – Minh Dũng