Bài viết BsCKI Đỗ Xuân Hoàng
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai.
Bệnh loãng xương hiện nay là một trong những căn bệnh khá phổ biến, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh không chỉ ở người già mà còn có xu hướng trẻ hóa.
Bệnh có thể gây ra biến chứng: đau, gãy xương gây ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt và lao động. Do đó cần biết được các chỉ số loãng xương, đặc biệt là nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa hiệu quả là điều mỗi chúng ta ai cũng cần nắm vững.
“Loãng xương là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ chất khoáng trong xương, kèm suy giảm cấu trúc xương”. Xương yếu dần và dẫn đến gãy xương với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng (gọi là gãy xương do loãng xương)
1. Các dấu hiệu nhận biết của bệnh loãng xương
– Các dấu hiệu ban đầu khó nhận biết bởi các triệu chứng không rõ ràng, đa số người bệnh không biết mình bị suy giảm mật độ xương đến khi xương yếu đi và gãy do tai nạn sinh hoạt như ngã va đập. Qua các nghiên cứu cho thấy khi có các dấu hiệu lâm sàng thực sự thì người bệnh đã mất đến 30% mật độ xương.
1.1. Bệnh loãng xương thể hiện qua một số triệu chứng sau:
– Giảm mật độ xương: làm xương cột sống bị lún xẹp dẫn đến đau lưng cấp, dáng đi lom khom, gù lưng, giảm chiều cao.
– Đau nhức đầu xương gồm: xương hông, đầu gối, xương chậu, cột sống, thắt lưng…đây là những bộ phận nâng đỡ chịu lực, nên dễ bị đau, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài.
– Đau nhiều khi đi lại, vận động, ngồi lâu. Giảm đau khi giảm vận động khi nằm nghỉ…
2. Bệnh loãng xương có biến chứng nào?
2.1. Gãy xương
Hậu quả của bệnh loãng xương gây ra rất nặng nề, biến chứng thường gặp nhất là rạn xương, nứt xương hoặc nặng hơn là gãy xương ở người giảm mật độ xương nặng, chỉ cần va chạm nhẹ trong hoạt động sinh hoạt đơn thuần cũng có thể gây gãy xương. Các xương có nguy cơ gãy xương cao: xương cột sống, xương đùi, xương cánh tay, cẳng tay, cẳng chân do chịu lực và tác động. Ở bệnh nhân loãng xương đặc biệt ở người cao tuổi thường: gãy xương đùi, xương cổ tay, gãy khớp háng.
2.2. Biến dạng cột sống
Bao gồm các biến chứng của bệnh loãng xương gây lên bởi các đột sống bị xẹp do giảm mật độ xương và chất khoáng, các vi gãy xương, biến dạng cột sống, gây giảm chiều cao cả nam và nữ…
2.3. Ảnh hưởng các cơ quan khác
Nếu bị loãng xương hoàn toàn: làm giảm chức năng vận động, yếu dẫn đến mất linh hoạt, rối loạn chuyển hóa…
3. Chỉ số loãng xương?
Hiện nay có 2 dạng chỉ số loãng xương được dùng để đánh giá là T-score và Z-score. Tuy nhiên, chỉ số T-score thường được dùng hơn và cũng là tiêu chuẩn được WHO đưa ra qua hình thức đo mật độ xương bằng DXA.
Chỉ số T-score phản ánh mật độ xương như sau:
+ T-score ≧ – 1 SD: mật độ xương bình thường
+ T-score -1 SD – 2.5 SD: bị thiếu xương.
+ T-score < – 2.5 SD: bị loãng xương.
+ T-score < – 2.5 kèm tiền sử hoặc đang bị gãy xương: loãng xương nặng.
Để đánh giá mức độ loãng xương, ngoài căn cứ về chỉ số loãng xương, thầy thuốc còn dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm khác được thực hiện như: xét nghiệm máu xem xét nguy cơ đối với bệnh thận, xét nghiệm hormone đánh giá chức năng tuyến cận giáp hoặc đánh giá mức độ khoáng chất trong cơ thể,… để xác định nguyên nhân loãng xương.
4. Ý nghĩa của việc đo chỉ số loãng xương
Qua thực tế cho thấy có nhiều người dù rất ý thức trong chế độ ăn uống để bảo vệ xương khớp nhưng do chưa thực hiện đúng cách nên hiệu quả không được như ý. Đơn giản như bổ sung canxi quá liều gây nguy hại cho sức khỏe hoặc không kèm vitamin D nên khả năng hấp thụ kém sinh ra thiếu canxi,… Đo mật độ xương giúp phát hiện để kịp thời có biện pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả bệnh loãng xương.
Bác sỹ khuyến nghị, khám tổng quát định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần giúp bảo vệ và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe xương khớp cùng các mối nguy sức khỏe khác. Đặc biệt, người ở độ tuổi 40 – 60 nếu có dấu hiệu đau mỏi, nhức xương, dễ bị chấn thương khi va chạm nhẹ thì cần đi khám xương khớp để kiểm tra chỉ số loãng xương.
Mục đích của việc kiểm tra chỉ số loãng xương nhằm phát hiện các vấn đề về xương có thể gặp phải để tìm hướng điều trị tốt nhất. Điều trị sớm là giải pháp để ngăn ngừa gãy xương, điều này đặc biệt cần thiết với người cao tuổi.
Ngoài ra, khi đo mật độ xương còn nhằm: dự đoán nguy cơ gãy xương, xác định tỷ lệ mất xương và đánh giá hiệu quả đo loãng xương.